Đề phòng thiệt hại các diện tích nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa lũ

Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Pác Nặm đang dần trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, làm giàu cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên nuôi trồng thủy sản phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết. Do đó người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

           Các diện tích nuôi trồng thủy sản rất dễ bị thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ

Với đặc thù là địa bàn miền núi, độ dốc cao, nhiều sông ngòi, khe rạch nên khi có mưa bão trên địa bàn huyện thường xảy ra lũ ống lũ quét và sạt lở đất. Trong khi các diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân còn nhỏ lẻ, thường làm cạnh các sông suối nên rất dễ bị sạt lở và tràn ao nuôi gây thiệt hại nhiều về kinh tế.

Để chủ động ứng phó với tác động trong mùa mưa bão, người dân cần có phương án thu hoạch ngay đối với những diện tích nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm. Cùng với đó, các hộ dân cần tập trung gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở do mưa lũ làm thất thoát sản phẩm; nạo vét, khơi thông kênh mương đảm bảo thoát nước tốt khi xảy ra mưa lũ; thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra. Đảm bảo phòng trừ bệnh trên từng loại thủy sản, khi có bất thường cần báo ngay cơ quan chức năng để có hướng xử lý kịp thời…/.

 

Thu Hường

Bài trướcPác Nặm- Triển khai  Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Bài tiếp theoChủ động phòng trừ dịch bệnh gây hại trên cây lúa xuân