Phỏng vấn đồng chí: Ma Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện về thực hiện công tác giảm nghèo năm 2022 và những năm tới

BBT: Thưa quý độc giả ! Năm 2022 đã kết thúc, đây là một năm với rất nhiều biến động, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tác động nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu. Xung đột chính trị, quân sự tại nhiều nơi trên thế giới khiến cho giá cả nhiều mặt hàng tăng cao. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi…cũng đã gây ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo của huyện Pác Nặm. Để đánh giá được chính xác hơn về công tác này, phóng viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao truyền thông huyện đã có bài phỏng vấn đồng chí Ma Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm.

Phóng viên: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết tình hình thực hiện công tác giảm nghèo trong năm 2022 trên địa bàn huyện Pác Nặm?

Đ/c Ma Văn Tuấn: Trong năm 2022, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm được 3,18% xuống còn 52,48% theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022-2025. Việc tập trung thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo được tăng cường. Các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất đối với hộ nghèo như nhà ở, đất sản xuất, nguồn vốn,… đã được giải quyết kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay ưu đãi… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội và giảm nghèo, làm chuyển biến nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện và làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Phóng viên: Thưa đồng chí, như vậy mục tiêu của công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện ta trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào?

Đ/c Ma Văn Tuấn: Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu giảm nghèo nhanh và bền vững theo chuẩn hộ nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, mục tiêu chung là đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, trú trọng phát triển mô hình kinh tế tập thể, phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ…; huy động từ nhiều nguồn lực để tạo cơ hội và điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vươn lên, tăng thu nhập, thụ hưởng các chính sách xã hội nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Phấn đấu bình quân mỗi năm giảm được 4% trở lên hộ nghèo.

Phóng viên: Thưa đồng chí, để thực hiện những mục tiêu trên thì huyện ta đã đề ra những giải pháp như thế nào?

Đ/c Ma Văn Tuấn: Để thực hiện đạt được những mục tiêu trên đòi hỏi cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện phải vào cuộc, cùng triển khai thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất là phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội đối với công tác giảm nghèo. Phát huy vai trò, chức năng tham mưu của các cơ quan, đơn vị chức năng để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. UBMTTQ và các hội đoàn thể từ huyện đến cơ sở phải tích cực phát động các phong trào hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo để thoát nghèo bền vững; tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ, chia sẽ để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Từng bước xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tư tưởng “xin nghèo”; phát huy tinh thần tự lực, khơi dậy ý chí chủ động, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thứ hai là phải tăng cường thực hiện các giải pháp về cơ chế, chính sách: Có cơ chế đẩy mạnh thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ở các địa phương khó khăn để giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, trong đó, ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Có chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo thiếu vốn sản xuất được vay vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập. Có cơ chế thúc đẩy và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề phục vụ phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và xuất khẩu lao động. Hỗ trợ bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các cơ quan liên quan thực hiện trợ giúp về pháp lý để người nghèo nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để họ tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ của nhà nước; tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của phát luật.

Thứ ba là phải tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá hiện- đại hoá nông nghiệp, nông thôn: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đầu tư cho phát triển. Phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đa dạng hoá các ngành nghề, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; khuyến khích và nhân rộng các mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả như kinh tế vườn, kinh tế trang trại, kinh tế hộ phục vụ cho sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản và chăn nuôi để thu hút và giải quyết lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.

Thứ tư là tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực: Đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo; ưu tiên vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất tại các địa bàn nghèo, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Thực hiện quản lý, phân bổ, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, mục tiêu, dự án hỗ trợ giảm nghèo của quốc gia và của tỉnh đảm bảo tập trung, trọng tâm, trọng điểm để tăng nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; hiệu quả đầu tư; đặc biệt là giữa Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm là thực hiện tốt việc tổ chức điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững: Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Trung ương và của tỉnh. Thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo của huyện và các địa phương. Nâng cao trách nhiệm, năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm của huyện, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn điều hành công tác giảm nghèo. Xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể để giải quyết từng nhóm nguyên nhân nghèo theo địa chỉ của từng hộ nghèo của từng thôn, bản, các chỉ số đo lường, đánh giá mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội. Thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công khai, có sự tham gia của người dân trong việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Thứ sáu là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững: Các cơ quan chức năng có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác giảm nghèo theo định kỳ và hằng năm; phát huy vai trò giám sát của HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Chính quyền các cấp thường xuyên chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, thanh tra để uốn nắn kịp thời những sai phạm, lệch lạc trong tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn….

Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí đã dành thời gian cho phóng viên Trung tâm VHTT-TT huyện thực hiện cuộc phỏng vấn này./.

 

Thu Hường

Bài trướcNhững nét nổi bật trong triển khai thực hiện Chỉ thị 05 ở Pác Nặm
Bài tiếp theoChương trình “Tết sẻ chia – Tết yêu thương” tại Pác Nặm